Khi còn đi học, ta muốn có một bảng điểm hoàn hảo. Khi đi làm, ta cũng muốn có một sự nghiệp hoàn hảo. Khi lập gia đình, ta cũng muốn có một người bạn đời hoàn hảo. Ta mong muốn bản thân có một cuộc sống hoàn hảo. Và rồi khi đến cuối con đường, ta nhận ra chẳng có gì là hoàn hảo cả.
Bạn thân mến, bạn có đang tìm kiếm những thứ hoàn hảo cho cuộc đời mình chứ? Tôi cũng từng như vậy, tôi đã từng là một người mong muốn mọi việc mình làm, mọi thứ xảy ra trong đời mình đều hoàn hảo. Nhưng khi cố gắng tìm kiếm sự hoàn hảo, tôi lại càng nhìn thấy những thứ không hoàn hảo. Giống như tờ giấy trắng có một dấu mực nhỏ lem trên đó, tôi chỉ chăm chăm nhìn thấy mỗi vết mực mà không thấy cả một tờ giấy trắng còn mới tinh trước mắt.
Tôi may mắn nghe được bài giảng từ một người thầy, có tên là “strive for excellence, not perfection.” (nỗ lực hết sức cho sự hoàn thiện, không phải là hoàn hảo). Từ đó tôi mới hiểu rằng, tôi cần phải tập trung hoàn thiện những khía cạnh trong cuộc sống, thay vì mong chờ nó trở nên hoàn hảo. Giống như là học tiếng Anh, nếu hiện tại tôi ở mức 5 điểm, sau đó tôi nỗ lực cải thiện và bài thi của tôi được 7 điểm. Nếu tôi là người mong muốn sự hoàn hảo, tôi sẽ thấy buồn vì mình chỉ được 7 điểm chứ không phải 10 điểm, và rồi tôi sẽ thấy 7 điểm là một giới hạn của mình và ngừng ở đó, không học tiếp nữa. Nhưng khi hướng đến sự hoàn thiện, tôi sẽ thấy mình đã cải thiện được 2 điểm số, và tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện bản thân để đạt những điểm số tốt hơn. Ví dụ này cũng đúng với những khía cạnh khác trong cuộc sống.
Tôi đã hiểu để từ bỏ mục tiêu hoàn hảo và hướng đến sự hoàn thiện như thế nào?
Hiểu rằng hoàn hảo là cái mục tiêu mọi người đặt cho tôi, nhưng hoàn thiện mới là mục tiêu tôi đặt cho mình. Từ nhỏ đến lớn, ta sống trong xã hội quá quan trọng sự hoàn hảo, từ điểm thi trong trường đến đánh giá công việc. Một người làm bài thi được 9 điểm, tức là đúng 9/10, nhưng đôi khi lại bị phê bình vì 1 điểm không đúng. Hiển nhiên, nếu sống dưới khối áp lực hoàn hảo mà xã hội đặt cho, ta chẳng thể nào sống nổi. Tôi nhận ra rằng, cách tốt nhất để sống là cứ hoàn thiện bản thân từng ngày, miễn sao hôm nay mình tốt hơn hôm qua và không tốt bằng ngày mai là được.
Hiểu rằng có những thứ không bao giờ hoàn hảo, nhưng có thể hoàn thiện để trở nên tốt hơn. Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo và con người cũng vậy. Do đó đặt mục tiêu biến mọi thứ hoàn hảo là không khả thi. John Maxwell từng nói, một người chỉ có thể cải thiện tối đa 2 điểm (trên thang điểm 10) cho một trong 7 phần của bánh xe cuộc sống. Có nghĩa là nếu điểm số về tài chính, mối quan hệ, sức khỏe của một người lần lượt là 7, 5, 8 điểm, họ có thể cải thiện tối đa lên thành 9, 7, 10 và không bao giờ có thể hoàn hảo là 10, 10, 10 được.
Hiểu rằng hoàn hảo là đích đến, còn hoàn thiện là một quá trình. Nếu một người nói rằng họ đã đạt đến hoàn hảo ở một lĩnh vực nào, điều đó có nghĩa là họ chưa hoàn hảo, họ chỉ mới đạt đến một cột mốc nào đó và dừng lại mà thôi. Giống như ngay cả những cầu thủ bóng đá siêu hạng cũng không bao giờ sút trúng đích 100% và họ vẫn đang miệt mài từng ngày để nâng cao tỉ lệ đó của chính họ. Mỗi chúng ta cũng vậy, cũng đang trong một hành trình hoàn thiện không có điểm dừng, điểm dừng nếu có, chính là giới hạn mà bản thân ta đặt cho chính mình và tự cảm thấy hài lòng với nó.
Bạn thân mến, ta có thể không có một ngày hoàn hảo, nhưng ta sẽ có 1 ngày hoàn thiện hơn. Mỗi một ngày hoàn thiện như thế sẽ là một mảnh ghép nhỏ, để ghép 7 mảnh được 1 tuần, 30 mảnh được 1 tháng, 365 mảnh được 1 năm và 21900 mảnh sẽ được 1 đời. Càng ghép nhiều mảnh, bức tranh cuộc đời càng rõ ràng, càng trở nên hoàn hảo. Giống như thầy John Maxwell từng nói “make your day a masterpiece” – biến ngày của bạn trở thành tuyệt tác. Tôi chúc cho bạn sống mỗi ngày hoàn thiện hơn để có một cuộc đời phi thường.
Cho sự thành công của bạn.
Comments
Post a Comment