Gần cả nửa cuộc đời, tôi xây dựng sự nghiệp dựa trên việc cố gắng làm những điều phức tạp, nhưng rồi tôi mới nhận ra được chân lý, thành công trong cuộc sống lại bắt nguồn từ những thứ đơn giản, như một câu danh ngôn từng nói “đơn giản chính là đỉnh cao của sự phức tạp”.
Tôi chia sẻ bài viết này, dựa trên những trải nghiệm xương máu của chính bản thân để giúp cho những bạn đã từng như tôi, cũng từng nỗ lực rất nhiều trong thời gian dài, phấn đấu làm những việc phức tạp để thăng tiến nhưng vẫn chưa nhận được kết quả mà mình mong muốn, từ đó giúp bạn có thể định hướng sự nghiệp tốt hơn trong tương lai.
Tôi vốn tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông tại trường ĐHBK TPHCM, sau này cũng hoàn thành thạc sĩ cùng chuyên ngành, và công tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ngấp nghé gần chục năm. Có thể nói sau 12 năm phổ thông, 5 năm đại học, 2 năm cao học và 10 năm đi làm, tất cả những thành tựu tôi gặt hái được đến từ việc giải quyết những vấn đề phức tạp trong cả học tập lẫn công việc. Nói một chút về lĩnh vực thiết kế vi mạch, đó là tôi phải “nhìn thấy” và thiết kế được các sản phẩm mà tín hiệu điện di chuyển trong một phần triệu giây và nhanh hơn trong các linh kiện với kích thước khoảng một phần tỷ mét. Đối với tôi, nó là công việc phức tạp nhất nhì trong số các nghề nghiệp hiện tại. Đã từng có thời tôi vô cùng tự hào vì mình nằm trong số ít người có thể làm và phát triển sự nghiệp được ở một công việc phức tạp như vậy, bởi vì nó cho tôi cơ hội làm việc ở những tập đoàn nước ngoài, cho tôi cơ hội thăng tiến và có được một nguồn thu nhập tốt, ổn định. (Kỹ sư mới ra trường trong ngành này hiện tại thu nhập khoảng 600USD/tháng, công việc thì có thể làm việc ở nhà, dự án thì lúc nào cũng có nên không sợ ảnh hưởng của mùa dịch)
Sau hơn 10 năm lập nghiệp, tôi thấy rằng nhờ dám chấp nhận làm việc phức tạp, tôi có thể đi xa hơn một số bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, khi tôi muốn bứt phá nhiều hơn nữa và quan sát những tấm gương thành đạt hơn đi trước, tôi lại nhận thấy rằng, họ thành công hơn tôi nhờ làm những điều đơn giản. Điều này khiến tôi giật mình nhìn lại và nhận ra có vẻ như bản thân đang mắc kẹt vì chính lựa chọn làm những điều phức tạp của mình. Tôi cay đắng chấp nhận sự thật rằng từ trước đến giờ, tôi đang “lấy nước bằng cách tự mình đào hố”, có nghĩa là khi tôi đào càng sâu thì sẽ có càng nhiều nước, nhưng đến khi nhìn lại thì thấy mình đã đứng ở dưới miệng hố và mắc kẹt trong đó không thể nào thoát ra được. Tại sao tôi lại nói điều này?
Thứ nhất, khi làm những việc phức tạp thì bắt buộc đầu óc phải làm việc với cường độ cao. Nhưng khi càng có tuổi, cuộc sống lại càng có nhiều vấn đề như sức khỏe cá nhân, những nỗi lo về gia đình, con cái cha mẹ và điều đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của tôi. Để giữ cho mình tỉnh táo và hoàn thành tốt những dự án đang làm, tôi bắt buộc phải làm bạn với cafe và chất kích thích thần kinh nhiều hơn, ngồi máy tính và thức khuya dậy sớm nhiều hơn. Điều này lại tiếp tục làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian dành cho gia đình và các mối quan hệ xã hội của tôi, rồi lại tiếp tục ảnh hưởng đến công việc, rồi tôi lại tiếp tục tìm các giải pháp nhất thời như thức khuya và cafe. Dần dà, tôi thấy mình như mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn và không có cách nào thoát ra được. Tôi nhìn lại bạn bè mình, thấy một số bạn bè làm công việc đơn giản hơn thì lại có thể làm lâu dài và ít áp lực, người làm giáo viên thì có một giáo án cứ thế mà dạy năm này qua năm nọ, người làm kế toán thì có một cách làm sổ sách áp dụng tháng này qua tháng khác. Thậm chí, khi thời buổi công nghệ phát triển, các công cụ hỗ trợ càng giúp bạn tôi trở nên nhàn hạ hơn, trong khi đó, công việc chuyên môn của tôi quá phức tạp đến nỗi máy móc không đủ thông minh để thay thế sức người. Tôi hay nói đùa rằng, “mình đang phải làm những việc phức tạp để tạo ra những thứ giúp cho cuộc sống người khác trở nên đơn giản hơn”, và vì thế, khi mọi người xung quanh càng có cuộc sống tiện nghi thì công việc của mình lại càng trở nên phức tạp hơn.
Thứ hai, người làm việc phức tạp thường chỉ làm công chứ không thể làm chủ. Từ sâu thẳm trong mong muốn của những người ra đời lập nghiệp, gần như ai cũng mong muốn có được một công việc do mình đứng ra làm chủ thay vì chỉ đi làm công cho người khác, và tôi cũng không nằm trong ngoại lệ. Nhưng khi tôi chọn con đường chuyên môn của mình, cơ hội để ra làm chủ gần như là bằng Zero. Bởi nếu ra làm công ty riêng thì tôi không đủ vốn để vận hành (một bộ bản quyền cho công việc chuyên môn có giá lên đến triệu đô mỗi năm), thậm chí khi nhận dự án làm ngoài, tôi cũng không tìm được những người đủ năng lực chuyên môn để cùng mình làm việc. Tôi nhớ những năm 2010, khi tôi chịu trách nhiệm đứng đầu 1 team làm outsource, gần như mọi trách nhiệm quan trọng đều đổ dồn lên đầu mình, lúc đó tôi có tiền, nhưng lúc nào cũng sống trong áp lực. Sau này, khi đủ trải nghiệm tôi mới thấm thía câu nói “những người tốt nghiệp loại A lại đi làm công cho những người tốt nghiệp loại C”. Điển hình như người đứng đầu doanh nghiệp hiện tại của tôi, về công việc chuyên môn không thể làm tốt bằng tôi và nhiều anh em khác, nhưng họ lại là chủ, còn tôi vẫn chỉ là người làm công. Tôi cũng quan sát xung quanh bạn bè mình, những đứa kinh doanh ăn nên làm ra, thì sản phẩm của họ lại chỉ đơn thuần là hàng tiêu dùng, vô cùng đơn giản. Tôi mới hiểu rằng, khi ra làm chủ, nếu muốn theo đuổi hướng kỹ thuật mà tôi đang làm thì tôi cần có nhiều tiền để thuê những người giỏi chuyên môn, còn bằng không, tôi phải tìm những hướng đi khác đơn giản hơn.
Bạn thân mến, tôi không nói việc theo đuổi công việc phức tạp là điều sai, nó vẫn là một lựa chọn tốt để một người xây dựng sự nghiệp và có được tài chính tốt hơn nhiều người khác. Bởi vậy từ nhỏ đến lớn, trường học mới khuyến khích chúng ta học và giải những bài tập phức tạp để được điểm cao. Nhưng vẫn còn một lựa chọn tốt hơn nữa mà trường học không dạy, chỉ đến khi ra đời và có cơ hội được tiếp xúc với những doanh nhân thành đạt thì tôi mới được họ dạy điều này, đó là “làm những việc đơn giản nhưng có khả năng mở rộng quy mô không ngừng”. Cũng cần nói thêm rằng, thời điểm tôi ngộ ra điều này là vào đầu những năm 2012, thời điểm mà mạng xã hội và các kênh video trực tuyến còn chưa phổ biến, khi nghe về khái niệm “làm việc đơn giản có khả năng mở rộng quy mô”, tôi cũng băn khoăn và nghi ngờ rất nhiều. Duy có một điều là khát khao được xây dựng sự nghiệp riêng của tôi rất lớn, nên tôi đã bất chấp những nghi ngờ của bản thân để theo đuổi cách làm này. Nhưng ở thời điểm tôi viết những dòng này, tin chắc bạn đã có những dẫn chứng thực tế. Lấy ví dụ như các công việ streamer, youtuber, gamer,… những ngành mà mới ra đời và phổ biến cách đây vài năm, các bạn trong lĩnh vực này làm những việc phải nói là gần như ai muốn làm cũng được, nhưng hiện tại thu nhập hàng tháng của nhiều người trong số này còn cao hơn cả tổng giám đốc của nhiều doanh nghiệp.
Đối với tôi, thời điểm nhận ra được điều này, chính là lúc tôi xoay chuyển được hoàn toàn cuộc chơi lập nghiệp của mình. Tôi hiểu rằng có 2 việc mà tôi cần làm nếu muốn phát triển sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới, đó là “đơn giản hóa” và “mở rộng quy mô”. Từ đó trở đi, tôi đã thay đổi cách tiếp cận của mình trong vấn đề lập nghiệp. Đầu tiên, tôi chọn ra những hướng đi có thị trường lớn với sản phẩm đơn giản, sau đó tôi hệ thống hóa các quy trình hoạt động trong doanh nghiệp của mình, kế đến là kết nối những cộng sự giỏi để teamwork và xây dựng đội ngũ cốt lõi (core team), và sau cùng là mở rộng không ngừng mạng lưới khách hàng trung thành và các nhóm làm việc cốt lõi ở khắp các tỉnh thành, thậm chí là ở các quốc gia khác Đặc biệt là từ những năm 2015 trở lại đây, khi mà những tiến bộ về công nghệ số và độ bao phủ của các công cụ mạng xã hội lên đến đỉnh điểm, công việc của tôi càng trở nên đơn giản hơn và quy mô công việc càng được mở rộng một cách nhanh chóng hơn. Tôi lấy ví dụ như bài viết này, nếu như tôi viết cách đây 5 năm, thì chỉ có một vài anh em trong nhóm làm việc có thể đọc được. Nhưng hiện tại, sau khi viết xong, tôi chỉ cần bấm chuột một cái là bài viết này có thể lan tỏa ở rất nhiều phương tiện, mà người đọc là bạn có thể chưa bao giờ gặp tôi. Thậm chí là bài viết này còn được gửi tự động một cách định kỳ đến các bạn đăng ký nhận email chia sẻ của tôi ở những thời điểm vài năm nữa trong tương lai một cách tự động. Ở đây, tôi muốn xác nhận lại với bạn một điều, làm những việc đơn giản mà có khả năng mở rộng thì không dễ, nó nằm ở một cấp độ khó thậm chí còn cao hơn làm những việc phức tạp. Bởi vậy ông bà mới nói làm chủ thì khó hơn làm công là vậy. Thế nên, theo quan điểm của tôi, nếu muốn làm công giỏi thì cứ tập trung vào làm những việc phức tạp, còn muốn được làm chủ giỏi thì bắt buộc phải tập trung vào việc đơn giản hóa và mở rộng quy mô.
Bạn thân mến, chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng người Việt mình thì ai cũng là người cần cù, chịu khó, bởi nó chính là bản tính của dân tộc ta từ ngàn đời. Tôi và bạn mỗi ngày đều đang vô cùng nỗ lực để xây dựng sự nghiệp, danh tiếng của bản thân, đồng thời để làm tròn trách nhiệm người con, người chồng, người vợ, người cha, người mẹ trong gia đình. Thiết nghĩ, thành quả mà ta nhận được sẽ trở nên đáng giá hơn nếu như ta nỗ lực cho sự lựa chọn đúng, hoặc là nếu muốn cuộc sống ngày mai trở nên tốt hơn, thì ta cũng cần có sự lựa chọn tốt hơn để đặt nỗ lực của mình vào đó. Qua chia sẻ này, tôi cũng mong rằng bạn sẽ có một tầm nhìn xa và thoáng hơn nữa để đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho sự nghiệp của mình. Tôi cũng còn rất nhiều điều muốn chia sẻ với bạn, đặc biệt là những dự định cho thời gian tới của mình, nhưng một bài viết là không đủ. Vậy nên nếu bạn cũng đang trăn trở với con đường lập nghiệp, muốn tìm cho mình một phương pháp lập nghiệp tốt hơn trong thời gian tới, đừng ngại nhắn cho tôi một tin nhắn để ta có thể trao đổi nhiều hơn.
Tôi chúc cho bạn tiếp tục vững bước trên đường lập nghiệp và gặt hái những thành quả tốt hơn trong thời gian tới.
Cho sự thành công của bạn.
Comments
Post a Comment