Có những lần ta đưa ra một quyết định, rồi cứ trăn trở không biết quyết định đó có đúng hay không. Nhưng có những quyết định mà bản thân nó không đúng hay sai ngay từ đầu. Nó chỉ trở nên đúng hay sai khi ta bắt tay vào thực hiện. Điều này đặc biệt đúng với những quyết định cần thời gian để kiểm chứng.
Bạn sẽ dễ dàng biết quyết định mua một tờ vé số đúng hay sai ngay ngày hôm sau. Nhưng khi chọn một nghề làm sự nghiệp, chọn một người làm bạn đời, nó sẽ cần hàng thập kỷ để biết đúng hay sai.
Vậy nên nếu muốn biến quyết định của mình đưa ra ngày hôm nay là điều chuẩn xác khi nhìn lại ở tương lai, thì song hành với kỹ năng đưa ra quyết định (decision making), ta cũng cần chú ý đến việc quản lý quyết định (decision managing).
Thẳng thắn mà nói, ai cũng có thể đưa ra một quyết định có vẻ hay ho, nhưng hiếm người làm tốt việc quản lý quyết định. Rất nhiều học sinh nói rằng sau này mình muốn học ở một trường đại học top đầu. Rất nhiều sinh viên nói rằng sau này mình muốn làm việc ở doanh nghiệp top đầu. Và rất nhiều nhân viên sau này muốn trở thành nhà quản lý, chủ doanh nghiệp lớn.
Bản thân tôi có cơ hội học tập ở những trường top đầu, làm việc ở những doanh nghiệp top đầu và vươn mình thành một người điều hành doanh nghiệp, mặc dù xuất phát điểm của tôi là một học sinh ngoại thành, ham chơi hơn ham học. Nên tôi khẳng định đạt được những mục tiêu học trường top, làm doanh nghiệp top, khởi nghiệp thành công không khó, thậm chí ai cũng có năng lực làm được.
Nhưng bao nhiêu người thực hiện được những mục tiêu đó? Tôi tin rằng không quá 10%. Điều gì khiến họ không đạt được mục tiêu? Bạn sẽ thấy vấn đề không nằm ở việc đưa ra quyết định, mà nó nằm ở việc quản lý quyết định.
Có thể đây là lần đầu tiên bạn nghe về quản lý quyết định và cũng không rõ thực sự phải làm gì. Nhưng suy nghĩ một cách đơn giản, quản lý quyết định chính là quản lý công việc hàng ngày. Giống như bạn muốn có một cơ thể cường tráng, thì việc tập luyện thể chất phải nằm trong lịch làm việc hàng ngày của bạn. Không có một người body 6 múi nếu không có tập luyện thể chất hàng ngày. Và tương tự như vậy, không có học sinh giỏi nếu không ôn luyện hàng ngày, không có nhân viên giỏi nếu không hoàn thành deadline hàng ngày, không có nhà quản lý giỏi nếu không đào tạo đội ngũ hàng ngày.
Làm sao để quản lý quyết định? Với tất cả công việc cần thực hiện trong ngày. Hãy dành 5 phút đầu ngày để đặt ra 3 câu hỏi này:Những việc nào là quan trọng? Tôi thường phân loại công việc theo 3 thứ tự: quan trọng, ít quan trọng và không quan trọng. Những việc quan trọng thì chắc chắn tôi sẽ thực hiện trước, việc ít quan trọng thì sẽ làm sau. Với những việc không quan trọng thì tôi có thể làm nếu rảnh rỗi, còn không thì để lúc khác làm.
Mục tiêu của tôi là gì? Tôi đặt câu hỏi này để biết trong số những việc quan trọng, đâu là việc ảnh hưởng nhiều nhất đến mục tiêu của mình. Thông thường tôi sẽ chọn được một công việc quan trọng nhất cần hoàn thành trong ngày, và tôi chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian và nhiều năng lượng nhất cho nó.
Việc gì tôi có thể trao quyền? Thông thường tôi sẽ không có đủ thời gian để hoàn thành tất cả những việc quan trọng hoặc ít quan trọng. Do đó, tôi sẽ chọn làm những việc bắt buộc mình phải tự xắn tay áo vào làm mà không ai có thể thay thế. Với nh ững việc khác, tôi sẽ nhìn xung quanh và tìm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè để nhờ hoàn thành công việc thay mình.
Với cá nhân, tôi đã thực hành việc quản lý quyết định xuyên suốt hành trình gần 2 thập kỷ lập nghiệp của mình để biến những quyết định từ tuổi đôi mươi trở thành quyết định đúng ở hiện tại.
Chọn nghề: năm 2006 tôi chọn ngành điện tử và sau đó năm 2011 bắt đầu công tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Chọn ngành điện tử không phải là thế mạnh lớn nhất của tôi. Tôi có năng khiếu về lập trình và rất phù hợp với ngành công nghệ thông tin – vốn dĩ đang là ngành rất hot vào thời điểm đó. Sau này tôi đi làm, nghề thiết kế vi mạch cũng là một nghề non trẻ ở Việt Nam mà chưa có trường đại học nào đào tạo. Lựa chọn làm nghề này thời điểm đó vừa cực, vừa không biết trước được tương lai.
Từng có những lời khuyên tôi đổi nghề để chọn những công việc khác đảm bảo hơn, lương cao hơn. Nhưng tôi vẫn kiên trì làm việc trong ngành này, cũng như tìm kiếm nhiều cơ hội để nâng cấp năng lực bản thân. Tôi từng vừa đi làm, vừa học và hoàn thành chương trình cao học cùng chuyên ngành. Tôi cũng từng trải qua nhiều mảng công việc khác nhau trong nghề của mình trước khi chọn một mảng cố định để phát triển chiều sâu.
Ở thời điểm tôi viết bài này, ngành thiết kế vi mạch đang là một ngành hot. Nhiều cường quốc đang đổ nguồn lực về Việt Nam để tuyển chọn và tìm kiếm đội ngũ kỹ sư giỏi, cũng như đào tạo một thế hệ kỹ sư mới. Và lựa chọn của tôi trong quá khứ lại là một lựa chọn đúng ở hiện tại. Nhưng tôi khẳng định rằng nếu không phải nhờ việc quản lý quyết định của thế hệ kỹ sư tiên phong thì điều này không bao giờ xảy ra.
Chọn khởi nghiệp: tôi bắt đầu kiếm tiền từ việc thiết kế mạch điện tử và buôn bán hàng điện tử từ những năm 20 tuổi, ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Thời điểm đó tôi làm những việc này để kiếm thêm. Nhưng sau khi đi làm, những trải nghiệm làm riêng lúc trẻ đã thôi thúc tôi tìm đường để xây dựng doanh nghiệp riêng một cách bài bản.
Tôi chính thức xây dựng doanh nghiệp riêng song song với công việc hành chính từ những năm 2012. Tôi cũng đứng trước rất nhiều chỉ trích lúc bấy giờ. Cha mẹ sợ tôi không đảm bảo sức khỏe. Bà xã thì sợ tôi tiền mất tật mang. Đồng nghiệp thì sợ tôi không tập trung hoàn thành công việc. Nhưng sau tất cả, tôi cũng đã quản lý quyết định bằng công thức 3 câu hỏi ở trên để đảm bảo mình có thể hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất.
Ở thời điểm hiện tại, tôi nhận được sự ủng hộ từ nhiều người quen, bạn bè để vận hành công việc kinh doanh của mình. Thậm chí một số bạn bè từng chỉ trích ở thời gian đầu, nay cũng tìm đến tôi để đề nghị được cùng đồng hành trong những kế hoạch mở rộng doanh nghiệp sắp tới.
Tôi chia sẻ câu chuyện của cá nhân mình ở trên, để nếu bạn là một người trẻ sẽ có thêm một tham chiếu để mạnh dạn bước đi theo lựa chọn của mình.
Bạn biết đấy, người trẻ thường bị gán với biệt danh “tấm chiếu mới” vì thiếu trải nghiệm. Do đó hầu hết các quyết định của người trẻ đều bị những người “không trẻ” góp ý, sửa chữa, thậm chí là phê bình và chỉ trích. Nhưng nếu người trẻ muốn tạo ra sự khác biệt so với người không trẻ, chắc chắn phải đưa ra những lựa chọn khác biệt, và cần phải biết cách quản lý quyết định thật tốt.
Bởi nếu người trẻ không quản lý tốt quyết định thì mục tiêu sẽ không thành, và lúc đó người không trẻ sẽ nói rằng: “đã nói trước rồi mà không ch/ịu nghe, trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Nhưng tin tôi đi, ngay cả khi người trẻ làm tốt, thì người không trẻ cũng sẽ nói: “ngay từ đầu tôi đã có niềm tin là bạn làm được rồi”. Những gì người không trẻ nói chỉ để đảm bảo họ luôn là người đúng trong mọi trường hợp mà thôi.
Vậy nên đừng quá quan tâm lo nghĩ đến việc quyết định hiện tại của bạn đúng hay sai, đừng lo nghĩ đến những người xung quanh đánh giá thế nào về quyết định của bạn. Hãy tập trung vào việc quản lý quyết định thông qua những công việc hàng ngày bạn làm và kiên trì với nó. Tôi tin rằng với một người có sự quyết tâm, kiên trì làm việc và theo đuổi đến cùng thì bất kỳ quyết định nào họ đưa ra đều là quyết định đúng. Hãy là người như vậy, bạn nhé!
Cho sự thành công của bạn,
Comments
Post a Comment