Kỹ năng làm việc với con người, hay còn gọi là cách đối nhân xử thế, đây là kỹ năng vô cùng quan trọng nếu một người muốn thăng tiến trong sự nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Thường với những người ở vị trí nhân viên, kỹ năng chuyên môn đóng vai trò quan trọng cho việc thăng tiến. Bởi kỹ năng chuyên môn tốt sẽ giúp công việc vận hành một cách nhanh chóng, chính xác & hiệu quả.
Nhưng khi muốn lên những vị trí cao hơn, đặc biệt là những vị trí về điều hành & quản lý, sự cần thiết của kỹ năng chuyên môn giảm dần, thay vào đó kỹ năng làm việc giữa người với người bắt đầu chứng tỏ sự quan trọng. Bởi người quản lý ngoài việc giải quyết công việc thường ngày, họ cũng cần phải biết cách ứng xử phù hợp với cấp trên, cấp dưới, cấp ngang và cả khách hàng để giúp tinh thần và hiệu suất làm việc luôn ở mức tốt nhất có thể.
Hiển nhiên, đối nhân xử thế không phải thứ mà ta có được trong một ngày, cũng không thể chỉ đọc một vài trang sách, một vài bí kíp là trở nên khôn ngoan, cũng không thể áp dụng một nguyên tắc cho tất cả trường hợp. Đây là một quá trình mà ta cần phải học những nguyên tắc cơ bản, sau đó kết giao với nhiều người – mỗi người có một tính cách, một xuất thân khác nhau, sau đó rút ra thành trải nghiệm của chính bản thân để áp dụng đúng cho các trường hợp sau này.
Tôi vốn xuất thân trong ngành kỹ thuật, vốn dĩ tôi chọn học kỹ thuật cũng vì ngành này không phải tiếp xúc với nhiều người. Tuy nhiên, cũng như nhiều bạn bè cầu tiến khác, tôi cũng mong muốn thăng tiến trong sự nghiệp, cũng muốn được lãnh đạo nhiều người, muốn phát triển một doanh nghiệp riêng cho mình. Tôi cũng đã trải qua một chặng đường gọt dũa chính bản thân mình hàng ngày, để một người gốc kỹ thuật vốn khô khan, xù xì, cộc tính có thể trở thành một người thân thiện, linh hoạt & khéo léo hơn. Nếu bạn cũng từng giống như tôi, dưới đây là những điều mà tôi đã áp dụng để hoàn thiện kỹ năng đối nhân xử thế của mình.Tôn trọng sự khác biệt về quan điểm.
Tôi xuất thân trong lĩnh vực kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao, cái gì đúng là đúng, mà cái gì không đúng là sai. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn khác khi làm việc với con người, thứ đúng với người này chưa chắc đã đúng với người khác, tương tự thứ sai với người này chưa chắc đã sai với người khác. Điều này tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, hay gọi mĩ miều hơn là nhân sinh quan của họ. Giống như đồng tiền có 2 mặt, người nhìn thấy mặt này sẽ không thấy mặt còn lại. Góc nhìn đó được quyết định bởi nhiều yếu tố, từ xuất thân, trình độ học vấn, đến môi trường sống của một người. Mà những yếu tố đó thì mỗi người khác nhau, do đó không thể trông đợi mọi người đều có chung một quan điểm giống mình.
Hiểu được điều này, tôi ngưng thắc mắc “tại sao mọi người là không nghĩ như mình” và chấp nhận nó. Tôi cũng không lo nghĩ đến việc những người không cùng quan điểm sống nghĩ về mình như thế nào. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc kết giao với những người có cùng quan điểm, chọn một môi trường phù hợp để làm việc, như ông bà thường nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Nhìn mọi người như một điểm 10.
Thông thường, người ta thường tìm những điểm xấu của người khác để đánh giá, bởi chẳng ai muốn nhìn nhận người khác hơn mình. Điều này không sai, bởi vì trên đời chẳng có ai hoàn thiện, thậm chí một người có nhiều ưu điểm lại có thể có một khuyết điểm lớn ở một điểm nào đó. Ví dụ như một người làm việc nghiêm túc, và thăng tiến nhanh trong công việc, họ lại có những thời điểm bỏ bê gia đình. Nhưng một người quá chu toàn việc gia đình thì có thể chỉ có một sự nghiệp bình bình.
Tôi hiểu rằng, thay vì nhìn vào khuyết điểm của người khác để phê phán, mình hoàn toàn có thể làm theo cách ngược lại, nhìn vào ưu điểm của người khác, sau đó đặt họ vào vị trí phù hợp để phát huy ưu điểm đó. Đây cũng là cách mà một doanh nghiệp hoạt động, khi mọi công việc đều được phân tách rõ ràng, được chuyên môn hóa và do những người giỏi trong lĩnh vực đó đảm nhận. Một lưu ý nhỏ là mặc dù nhìn người khác như những điểm 10, nhưng có những nền tảng về mặt tính cách mà một người bắt buộc phải có, như tính kỷ luật, tinh thần ham học hỏi, sự trung thực và giữ uy tín. Nếu một người khiếm khuyết một hoặc nhiều tính cách nền tảng, hoặc người đó phải sửa đổi, hoặc người đó cần phải bị loại bỏ khỏi tổ chức.
Khởi đầu bằng tốc độ của người đối diện
Trong quá trình phát triển doanh nghiệp và đào tạo những thành viên chủ chốt, tôi nhận ra rằng mỗi một người sẽ có một phong cách làm việc riêng, và tôi không thể áp đặt cách làm việc của mình cho người khác. Nó giống như tốc độ nói chuyện của một người, có người nói nhanh vừa, có người nói chậm. Nếu tôi là người nói nhanh, tôi sẽ thấy khó chịu khi nghe người nói chậm, nhưng tôi cũng không thể bắt họ nói nhanh giống mình được.
Vì lẽ này, tôi thường giúp những nhân sự mới đặt mục tiêu, lên kế hoạch cho phù hợp với năng lực, tốc độ làm việc và mong muốn của họ, chứ không áp đặt ngay mục tiêu của mình và tổ chức. Việc của tôi là đào tạo, hỗ trợ, theo sát để đảm bảo rằng sau một thời gian nhất định, từ 6 tháng đến 1 năm, thành viên đó có thể “matching” với nhóm làm việc về năng lực, thái độ làm việc và tầm nhìn, từ đó có thể cùng làm việc để theo đuổi mục tiêu chung.
Bạn thân mến. Trên đây là một số note của tôi về những điều quan trọng nhất mà bản thân đã thay đổi, để phát triển được cách đối nhân xử thế phù hợp. Trong hơn 5 năm qua, tôi có cơ hội đọc, học và áp dụng kiến thức từ nhiều bậc thầy về lãnh đạo, đặc biệt là John C.Maxwell. Trong đó có 2 cuốn sách mà tôi xem như kim chỉ nam cho việc tu tập bản thân, đối nhân xử thế & điều hành doanh nghiệp, đó là “Nhà lãnh đạo 360 độ” (The 360 Degree Leader) và “Tinh hoa lãnh đạo” (Leadership Gold). Tôi khuyến khích bạn – nếu bạn cũng đang giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của mình, hoặc đang chuẩn bị cho sự thăng tiến sắp tới, bạn có thể đọc và áp dụng những kiến thức ở đây. Tôi chắc chắn bạn sẽ có một định hướng rõ ràng hơn, một phương châm chính xác hơn cho con đường lãnh đạo của mình.
Chúc bạn có những bước chuẩn bị vững vàng hơn nữa cho những thành công phía trước.
Comments
Post a Comment