Một bài toán khó nhằn với hầu hết bạn bè ra đời lập nghiệp, đó là làm sao có thể thăng tiến trong công việc nhưng vẫn đảm bảo được thời gian dành cho bản thân và gia đình. Theo quan sát nhiều năm của tôi, hầu hết chúng ta không giải quyết được bài toán này và chấp nhận thỏa hiệp với việc chọn 1 trong 2, hoặc là sự nghiệp hoặc là gia đình.
Câu hỏi tôi muốn đặt ra là “tại sao không chọn cả hai?”. Có thể bạn sẽ trả lời “điều đó quá tốt, nhưng là không thể đối với bản thân tôi, bởi vì …” Tôi biết đằng sau dấu ba chấm sẽ là một lý do vô cùng hợp lý. Nhưng tựu chung lại, gốc rễ của việc một người không dám chọn cả hai nằm ở việc họ đang đặt ra một “ngưỡng chấp nhận” (self-acceptance) thấp cho cuộc sống của chính mình.
Quay lại câu chuyện bản thân, tôi biết được nguyên lý về ngưỡng chấp nhận này khi mới bước qua những năm đầu của tuổi 20. Sau đó, tôi quyết định nâng ngưỡng chấp nhận của mình bằng việc quyết định chọn cả hai. Điều này bắt buộc tôi phải đưa ra những lựa chọn mới cho sự nghiệp của mình, thay vì hài lòng với những lựa chọn hiện tại. Tôi cũng đồng thời phải nỗ lực gần như gấp đôi bạn bè cùng trang lứa để hiện thực hóa tầm nhìn. Gần 10 năm sau ngày đưa ra quyết định đó, tôi đã gia tăng được thu nhập hàng tháng từ 7 chữ số đến việc vượt qua 9 chữ số (VND). Song song đó, công việc hàng ngày của tôi cũng chỉ gói gọn không quá 8h/ngày và giúp tôi có đủ thời gian để chăm lo bản thân, gia đình.
Bạn của tôi, nếu đâu đó bên trong trái tim của bạn, bạn cũng khao khát được chọn cả hai, nhưng bạn đang bị một vài nhân tố nào đó cản trở mong muốn này, tôi cũng rất vui chia sẻ với bạn 5 nguyên tắc để giúp bạn nâng cao ngưỡng chấp nhận, từ đó giúp bạn có thể làm mới chính bản thân & sự nghiệp của mình trong 5-10 năm kế tiếp.Bắt đầu bằng việc nghĩ rằng mình xứng đáng. Ta từng từ bỏ rất nhiều mong muốn trong cuộc đời vì nghĩ rằng mình không xứng đáng/không đủ khả năng để đạt được nó. Tuy nhiên, đó là một loại suy nghĩ hạn hẹp cần bị loại bỏ. Lịch sử nhân loại đã chứng minh nhiều thứ không thể trong quá khứ và trở thành có thể ở hiện tại. Khi nghĩ về việc mình xứng đáng đạt được một điều gì đó, bộ não của bạn sẽ được thôi thúc để tìm cách thực hiện, nếu không, nó sẽ tìm cớ để giúp bạn thỏa hiệp với hoàn cảnh.
Tìm người có thể khuyến khích, động viên bạn. Con người là sản phẩm của môi trường xung quanh họ, vậy nên ông bà mới nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bất kỳ điều gì bạn mong muốn đạt được, cũng sẽ có những người cùng mong muốn với bạn, và cũng có những người đã đạt được điều đó, thậm chí là có cùng xuất phát điểm giống bạn. Hãy tìm những người như vậy để kết giao, làm việc và nhận lời cố vấn từ họ, cũng như rời xa những người đang tìm cách đánh cắp giấc mơ của bạn.
Quên những gì bạn từng làm ở quá khứ đi. Thông thường ta thường lấy những gì đã làm trong quá khứ để đánh giá tương lai. Điều này vô cùng nguy hiểm. Một người có thể lấy hoàn cảnh ở năm 20 tuổi để đánh giá tuổi 30, rồi lại dùng hoàn cảnh ở tuổi 30 để đánh giá tuổi 40, và cứ như vậy cho đến cuối đời. Kết quả là 40 năm lập nghiệp của một người trưởng thành bị giới hạn bởi những gì một đứa trẻ làm ở 20 năm đầu đời. Hãy thực hiện sự thay đổi, hãy dùng tương lai mong muốn của bạn làm đích đến, sau đó điều chỉnh cho những gì bạn làm ở hiện tại. Bạn biết đấy, một chiếc máy bay không bao giờ bay đúng quỹ đạo mong muốn vì tác dụng của ngoại lực, nhưng nó luôn nhắm về đích đến và liên tục điều chỉnh để trở lại quỹ đạo. Hãy về đích như một chiếc máy bay.
Xem sự thay đổi là một chương mới trong đời. Thay đổi luôn khiến ta khó chịu. Tuy nhiên, không thay đổi trong một cuộc sống luôn thay đổi là điều bất khả thi. Vậy nên, chỉ có hoặc là bạn tự nguyện thay đổi để trở nên tốt hơn, hoặc là bạn bị bắt buộc thay đổi để tồn tại. Hãy cho phép bản thân bạn được nghĩ về những điều chưa từng nghĩ, được làm những điều bạn chưa từng làm, điều này sẽ mở ra cho bạn một chương mới trong đời.
Cho phép bản thân bạn được sống với hy vọng. Khi thực hiện sự thay đổi, có thể bạn sẽ không thành công ngay, bạn chắc chắn sẽ gặp một vài khó khăn, sẽ đôi vài lần thất bại. Tuy nhiên, dù ở bất cứ tình huống nào, đừng đánh mất hy vọng. Vì hy vọng chính là động lực bên trong thôi thúc bạn tiếp tục cải thiện năng lực bản thân, cổ vũ cho bạn đứng dậy và đối mặt với thử thách một lần nữa. Mọi thử thách trong cuộc sống đều giống như cách bạn tập lái xe đạp, mỗi lần leo lên và té ngã bạn sẽ rút ra được một bài học nhỏ để tiếp tục leo lên, té ngã và lặp lại cho đến khi làm chủ được nó.
Bạn thân mến, lý do duy nhất tôi gặt hái được những thành tựu ở hiện tại, đó là tôi là kẻ thất bại rất nhiều lần trong quá khứ. Trong quá trình đi học, tôi đã từng thi rớt không biết bao nhiêu kỳ thi, kể cả thi đại học. Nhưng nếu bạn để ý, một người nếu chưa bao giờ thi rớt một kỳ thi nào, hầu hết là những người học ở những trường làng nhàng từ nhỏ cho đến lớn. Sau này khi ra đời lập nghiệp, tôi cũng “thi rớt” nhiều loại bài test khác nhau ở trường đời khi lấn sân sang làm việc ở nhiều lĩnh vực ngoài chuyên môn. Tôi đã chấp nhận “học lớp 10 để bị điểm 1 và tìm cách cải thiện, còn hơn mãi học ở lớp 1 để luôn được điểm 10”. Vậy nên, bạn hãy tin rằng khi bản thân tiếp tục phát triển năng lực và nỗ lực làm việc không ngừng thì mọi ước mơ đều là có thể.
Hãy chia sẻ cùng tôi cách bạn đã gia tăng ngưỡng chấp nhận của mình như thế nào, những thử thách lớn mà bạn đã gặp phải và cách bạn vượt qua, bạn nhé. Tôi rất vui được lắng nghe và học hỏi từ chính những trải nghiệm của bạn. Tin rằng cùng nhau ta có thể làm nên những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống này.
Comments
Post a Comment