Skip to main content

HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

Trải qua gần nửa cuộc đời, học đủ thứ trường, làm đủ thứ việc, tôi mới tìm được lời giải chính xác nhất cho câu hỏi mà mình luôn thắc mắc từ thưở mới cắp sách đến trường, đó là “học để làm gì?”.



Những chia sẻ dưới đây của tôi, đến từ trải nghiệm của một người từng đạt những danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cấp thành phố và cả quốc gia, cũng như từng theo học những ngôi trường chuyên nhất nhì khu vực. Tuy nhiên, tôi cũng từng được liệt vào tuýp học sinh ham chơi hơn ham học, cũng từng trốn học để đi chơi game, đi đá banh, cũng từng thi rớt nhiều kỳ thi, kể cả thi đại học. Vì lẽ đó, tôi có đầy đủ những trải nghiệm, những thăng trầm trong sự nghiệp để tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất cho việc “học để làm gì”.

Đầu tiên, tôi muốn nói đến những quan điểm sai lầm trong việc học mang tính hệ thống và đã trở thành truyền thống: “học để mai này có công việc tốt”, “học để bằng bạn bằng bè, đẹp lòng cha mẹ”, “học để gia đình nở mày nở mặt”. Thật ra, những điều tôi vừa liệt kê, nó chỉ là phần thưởng mà việc một người theo đuổi việc đèn sách nhận được, chứ không phải là mục tiêu quan trọng nhất của việc học.

Cái bẫy của những quan điểm này, chính là một người sẽ cho là mình “đã kết thúc việc học” sau khi đi làm, đặc biệt là nếu như họ tìm được một công việc đúng chuyên ngành với thu nhập mong muốn. Vì sao lại vậy? Vì họ đã đạt được mục tiêu có công việc tốt, cũng như chẳng còn phải đối diện với việc đi thi để có bảng điểm tốt về trình cha mẹ.

Nhưng mà bạn thấy đấy, việc học ở trường tuy dài, có người cần đến 20 năm, nhưng nó cũng chỉ là bước chuẩn bị để một người tiếp tục 40 năm kế học và làm ở trường đời. Vậy nên, tôi nhận ra rằng “mục tiêu của việc học chính là để trưởng thành”.

John C.Maxwell có nói “nếu bạn hướng đến việc trưởng thành, bạn sẽ trưởng thành và chắc chắn đạt được mục tiêu. Còn nếu bạn chỉ hướng đến mục tiêu, bạn có thể đạt hoặc không”. Điều này lý giải vì sao những người coi việc học để có công việc tốt là mục tiêu, thì có người sẽ đạt được mục tiêu đó, nhưng phần lớn còn lại sẽ không đạt. Ngay cả khoa điện của trường ĐH Bách Khoa TPHCM, nơi quy tụ những sinh viên giỏi nhất, một năm 600 người ra trường thì số lượng làm được việc đúng chuyên ngành cũng không đến 30%.

Đối với riêng tôi, mặc dù ham chơi hơn ham học và nhiều lần phải trả giá cho điều này bằng kết quả học tập của mình, nhưng tôi có may mắn xác định được đúng mục tiêu “học là để trưởng thành” ngay từ rất sớm. Vậy thì chiến thuật tôi đã áp dụng là gì? Tôi chia sẻ dưới đây để các bạn đang làm cha làm mẹ có thể tham khảo để định hướng cho con cái mình tốt hơn.Học phổ thông để xác định được thế mạnh của mình, đồng thời trui rèn sự kiên trì và chí vươn lên. Với tôi, việc học nhiều môn ở nhiều lĩnh vực giúp tôi biết được đâu là lĩnh vực mình có đam mê và năng khiếu nhất. Có những giai đoạn, điểm trung bình của tôi nằm ở top dưới, nhưng điểm môn tin học của tôi đứng đầu tuyệt đối, mà đó lại là môn mà tôi học đến đâu hiểu đến đó. Tôi cũng đồng thời đi thi học sinh giỏi ở nhiều cấp độ, từng đối mặt với những đề thi 10 câu mà mình chỉ giải được 1. Điều này giúp tôi hiểu được cho dù mình giỏi thế nào, vẫn có những thử thách lớn hơn để tiếp tục phấn đấu.
Học đại học để trui rèn chuyên môn và phát triển kỹ năng mềm. Giai đoạn này tôi hoàn thiện được “kỹ năng tự học” vì lý do tôi theo đuổi nhiều công việc & đam mê khác nên không thường xuyên đến lớp. Tôi cũng không biết bằng cách nào đó mà tôi vẫn tốt nghiệp ra trường đúng thời hạn, thậm chí còn làm giúp luận văn của gần chục đứa bạn cùng lớp J Chính điều này giúp tôi biết mình đã đi đúng con đường khi đã dành thời gian phát triển nhiều kỹ năng lập nghiệp khác song song với kỹ năng chuyên môn.
Học ở trường đời để trui rèn năng lực làm việc nhóm và kỹ năng lãnh đạo. Trong suốt 10 năm sau khi ra trường, đây chính là 2 việc mà tôi chú tâm theo đuổi. Trong đầu tôi luôn đặt ra câu hỏi, “làm sao để có thể đóng góp vào sự phát triển của team làm việc hiện tại”, cũng như “làm sao để tương lai có thể ảnh hưởng và dẫn dắt được nhiều người hơn nữa”. Tôi nhận thấy rằng, khi càng làm việc để phục vụ 2 mục tiêu này, bản thân tôi càng trưởng thành và sự nghiệp càng thăng tiến.

Bạn thân mến, ở trên là những quan điểm của cá nhân tôi về việc học để giúp tôi xây dựng sự nghiệp của mình. Đó là những góc nhìn mà tôi thấy được dựa trên những trải nghiệm cá nhân. Tôi cũng muốn biết góc nhìn của bạn, hãy chia sẻ cùng tôi nhé.

Trong thời gian tới, tôi cũng đang lên kế hoạch để trực tiếp cố vấn, đào tạo cho một team khoảng 10 bạn cùng chí hướng để làm việc cùng tôi cho một số project kinh doanh sắp tới. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng thị trường online của doanh nghiệp, nhưng với tôi, cũng là cơ hội để tôi có thể trực tiếp theo sát, dẫn dắt và truyền nghề cho một thế hệ doanh nhân mới. Liên lạc với tôi nếu bạn muốn thử sức nhé.

Tôi cũng chúc bạn sinh lực dồi dào, trí lực minh mẫn để tiếp tục chinh phục đường lập nghiệp.

Cho sự thành công của bạn,

Comments

Popular posts from this blog

GIAO TIẾP TRONG CÔNG VIỆC

Khi mới bắt đầu đi làm, tôi ngộ nhận rằng mình sẽ trở nên thành đạt hơn nếu có năng lực chuyên môn siêu phàm. Nhưng càng làm lâu, tôi lại càng thấy năng lực chuyên môn thôi là chưa đủ, mà còn cần có những kỹ năng làm việc với con người để bổ trợ. Trải qua nhiều năm nghiên cứu và vận hành “đắc nhân tâm”, tôi thấm thía được những điều sau đây. Với hầu hết những người chưa thành đạt, họ thường tỏ ra lo sợ khi gặp cấp trên, dèm pha với cấp ngang và chế giễu cấp dưới. Với người trung bình, họ thường xu nịnh cấp trên, làm bạn với cấp ngang và kết thân với cấp dưới. Với người thành đạt, họ nhận sự cố vấn từ cấp trên, cộng tác với cấp ngang và chỉ dẫn cấp dưới. Cấp trên, cấp ngang và cấp dưới tôi đề cập ở đây, không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ công việc, mà nó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Cấp trên là những người giỏi hơn hoặc có nhiều kinh nghiệm sống hơn mình. Cấp ngang là những người bằng mình và cấp dưới là những người chưa được bằng mình. Tôi đã áp dụng nguyên tắc của người thành đ...

RÙA VÀ THỎ THỜI HIỆN ĐẠI

Tuổi thơ người Việt không lạ lẫm gì với câu chuyện về cuộc đua giữa rùa và thỏ. Nhưng không nhiều người biết rằng, hàm chứa trong đó là những triết lý kinh doanh đáng để học hỏi 1. Thỏ, Rùa chạy thi. Thỏ khởi đầu mạnh mẽ, vượt rùa rất xa và bắt đầu khám phá những điều mới trên đường. Thấm mệt, thỏ ngả mình dưới gốc cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa kiên trì, tiếp tục cuộc đua và thắng cuộc. Bài học kinh doanh từ câu chuyện rùa và thỏ thời hiện đại Câu chuyện trên thật gần gũi và đã được chứng kiến khá nhiều trong cuộc cạnh tranh của các ông lớn hiện nay. Năm 2014, làng công nghệ thế giới chứng kiến sự thất bại của điện thoại Fire Phone do Amazon sản xuất. Điều này đã được CEO của Amazon, Jeff Bezos khẳng định trong ngày 19/12/2014 khi ông nói trong khoảng 2 năm tới sẽ không có chiếc điện thoại Fire Phone 2 nào được tung ra thị trường. Từ sau thành công của máy đọc sách điện tử Kindle hay máy tính bảng Kindle, Amazon hy vọng chiếc smartphone này sẽ là một cú huých và có thể trực tiếp...

HÀNH TRÌNH TỰ KHÁM PHÁ: CÂU HỎI DẪN LỖI BẠN ĐẾN MỤC ĐÍCH VÀ ĐAM MÊ

Bạn thân mến, nếu bạn muốn thay đổi và trưởng thành, bạn cần phải hiểu chính mình, chấp nhận chính con người bạn trước khi bạn bắt đầu xây dựng thành công cho bản thân. Dưới đây là 10 câu hỏi để giúp bạn nhận ra được mục đích sống và những đam mê của mình: 1. Bạn có thật sự thích những gì bạn đang làm hiện tại không? Nếu như bạn không hạnh phúc với những gì bạn đang làm để sống, bạn cần phải dành thời gian để tìm lý do tại sao. Thay đổi từ nơi bạn đang đứng đến nơi bạn muốn đến là mạo hiểm, nhưng có mạo hiểm không nếu bạn vẫn đứng im tại vị trí hiện giờ? Bạn lựa chọn sự mạo hiểm nào? 2. Bạn muốn làm điều gì? Sẽ không có gì hoạt động cho đến khi bạn thực hiện nó. Do đó, nếu bạn không tìm thấy được bạn thật sự muốn làm gì, bạn có thể sẽ cảm thấy bất an trong suốt cuộc đời mình. Hiểu bản thân và những gì mình muốn làm, đó là những việc qu...