Kỷ nguyên công nghiệp đòi hỏi những người ra đời phải có kỹ năng chuyên môn (skillsets) để nhận lấy một vị trí trong doanh nghiệp.
Khi kỷ nguyên thông tin đến, việc đào tạo năng lực chuyên môn trở thành thứ đại trà, người ta cần có thêm tư duy làm việc đúng (mindset) nếu muốn có được lợi thế cạnh tranh.
Vậy nên từng có thời mọi người hay nói “skillsets is a need, but mindset is a must”.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, có được cả skillset và mindset vẫn chưa đủ. Một người muốn vươn lên đỉnh cao sự nghiệp cần phải hoàn thiện lòng nhân ái (heartset).
Lấy một ví dụ, phần lớn nhân viên quyết định rời bỏ tổ chức sau hơn 3 năm làm việc đều đến từ vấn đề với sếp, hoặc với công ty, chứ không đến từ vấn đề năng lực chuyên môn.
Vì vậy, đội ngũ quản lý nếu không có đủ lòng nhân ái thì sẽ khó lòng giữ chân nhân viên lâu dài.
Vậy có cần thiết phải nâng cấp lòng nhân ái không?
Khác với skillset và mindset là thứ gần như bắt buộc phải có (need) trong thời hiện đại, heartset lại là điều mà người ta có thể muốn hoặc không (want).
Có nghĩa là bạn có thể làm tốt công việc chuyên môn mà không cần lòng nhân ái.
Nhưng để đảm nhận những vị trí cần đến sự kết giao giữa người và người, thì nhà lãnh đạo có lòng nhân ái tốt chắc chắn sẽ dẫn dắt tổ chức hiệu quả hơn.
Trở thành lãnh đạo là một sự lựa chọn, và lòng nhân ái cũng vậy.
Bạn thân mến, nếu bạn nhận thấy “lòng nhân ái” là một điều quan trọng và cần phải có trong hành trình lập nghiệp của bạn, dưới đây là một vài chỉ dẫn của tôi. Làm việc ở các tổ chức tình nguyện: khác với các tổ chức có ràng buộc về lương bổng, chức vụ hoặc vai vế (doanh nghiệp, gia đình), tổ chức tình nguyện sẽ gồm những người không có ràng buộc và tự nguyện làm việc cùng nhau. Học cách làm việc trong tổ chức tình nguyện dưới sự dẫn dắt của một người lãnh đạo, sau đó trở thành người lãnh đạo của một nhóm tình nguyện là cách để rèn luyện lòng nhân ái tốt nhất.
Học kỹ năng lắng nghe thay vì chỉ phát triển kỹ năng thuyết trình: không thể kết giao nếu không thấu hiểu người đối diện, và không thể thấu hiểu nếu không phát triển kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe ở đây không chỉ là dùng tai để nghe, mà là tập trung vào người đối diện, nghe bằng cách quan sát cả cử chỉ, thái độ để hiểu đúng thông điệp ẩn sau những gì người đó nói.
Kiên nhẫn dành thời gian đào tạo thay vì chỉ ra lệnh và quản lý: trong một thế giới thay đổi nhanh, người lãnh đạo thường thiếu sự kiên nhẫn, họ kỳ vọng quá nhiều vào việc đội ngũ sẽ hoàn thành công việc được giao, nhưng lại thiếu sự quan tâm để đào tạo, hướng dẫn. Nên nhớ, chậm một chút để hướng dẫn ở hiện tại sẽ giúp đội ngũ của bạn tiến xa ở tương lai.
Cá nhân tôi có may mắn làm việc nhiều năm trong những tổ chức có sự đa dạng về văn hóa, đặc biệt là làm việc sát sao với các lãnh đạo, nhà quản lý có cả người Việt, người Nhật, người Ấn, người Châu Âu.
Điều này giúp tôi nhận ra cho dù cách làm việc, thậm chí là quan điểm sống có thể khác nhau, nhưng những lãnh đạo này luôn có một điểm chung đến từ lòng nhân ái: “thật lòng quan tâm đến sự phát triển của mỗi cá nhân trong đội ngũ”.
Đó là lý do vì sao lòng nhân ái luôn là một khía cạnh mà tôi dành thời gian để cải thiện, đồng thời lấy làm nhân tố cốt lõi để xây dựng đội ngũ do chính mình điều hành.
Cuối cùng, bạn hãy cho tôi biết quan điểm của bạn về lòng nhân ái, cũng như cách mà bạn đang áp dụng để phát triển nhân tố này nhé.
Comments
Post a Comment