Có 2 cách để giúp một người thay đổi và bứt phá khỏi vùng thoải mái của họ, một là họ được đào tạo đủ để có tầm nhìn xa hơn, hai là họ đau đủ để mong muốn thay đổi.
Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là không phải ai cũng có cơ hội được đào tạo đủ để khai mở tầm nhìn, mà thường là phải đợi đến khi đủ đau để biết được mình cần thay đổi. Nhưng khi đau đủ rồi thì lại quá tuổi và không còn đủ nhiệt huyết, dũng khí để làm gì mới hơn. Kết quả là hầu hết phải chấp nhận với những gì mình đang có và sống như vậy đến cuối đời.Bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhiều bạn bè thường hỏi tôi rằng “Vì sao tôi luôn luôn thúc đẩy bản thân mình ra khỏi vùng thoải mái, mặc dù cuộc sống hiện tại của tôi đã ổn định rồi?”. Câu trả lời là vì tôi đã nhận đủ đau rồi.
Có 2 nỗi đau lớn trong cuộc đời mà một người không sớm thì muộn sẽ gặp phải, một là mất đi người mình yêu thương nhất, hai là chính bản thân mất sức khỏe, mất khả năng lao động. Tôi đã nếm cả 2 nỗi đau đó khi mình còn rất trẻ. Tôi đã từng bất lực khi bản thân phải nằm trên giường bệnh nhiều tháng liền, và còn bất lực hơn khi không thể tìm ra cách để giúp chữa ung thư cho mẹ của mình.
Đó là những trải nghiệm vô cùng đau buồn mà tôi không hề muốn nhắc lại tí nào. Nhưng mùa dịch này, có những hoàn cảnh tương tự khiến tôi nhớ lại bản thân mình cách đây hơn chục năm. Vậy nên, tôi muốn nhắn nhủ với bạn rằng “hãy thực hiện sự thay đổi ngay khi vẫn còn có thể, đừng để đến khi sự bất lực là động lực thay đổi của bạn”.
Thật lòng mà nói, trải nghiệm đau lòng cách đây 10 năm của tôi, khi nghĩ theo một chiều hướng tích cực, nó lại là một sự may mắn, bởi từ đó tôi có đủ sự mạnh mẽ để thực hiện những thay đổi trong sự nghiệp, từ đó có sự chuẩn bị tốt và vượt qua những thời khắc gian khó khác trên hành trình lập nghiệp của mình.
Vậy tôi đã làm gì trong 10 năm qua để nâng cấp sự nghiệp của mình? Dưới đây là những dặn dò của tôi nếu bạn cũng đang sẵn sàng để thay đổi.Sẵn sàng làm việc 12h/ngày một cách đều đặn trong nhiều năm liền. Điều tạo nên sự khác biệt giữa bạn & những đồng nghiệp khác không nằm trong 8h đi làm mỗi ngày, mà nó nằm ở việc bạn sử dụng thời gian buổi tối & cuối tuần của mình như thế nào để tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển kỹ năng quản lý & lãnh đạo, cũng như gầy dựng và nâng cấp các mối quan hệ chất lượng.
Tìm một người cố vấn “đích thực” cho sự nghiệp. Ở đây tôi dùng từ “đích thực”, có nghĩa là người cố vấn của bạn không chỉ giỏi và có thể giúp bạn trong việc phát triển công việc chuyên môn, mà họ còn là một người giỏi trong việc quản trị cuộc sống. Hầu hết những người gặp khó khăn để phát triển sự nghiệp, đó là do họ gặp những vấn đề trong cuộc sống, từ đó ảnh hưởng đến việc gầy dựng cơ nghiệp. Bạn sẽ thấy có nhiều tấm gương mất cả cơ nghiệp vì không làm tròn nhiệm vụ tu thân, tề gia trước khi trị quốc. Vậy nên hãy tìm cho bạn một người cố vấn đích thực để giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn trong nhiều khía cạnh cuộc đời.
Luôn giữ tinh thần khởi nghiệp. Cái bẫy “tôi biết rồi” là thứ khiến nhiều người lập nghiệp lâu năm bị mắc kẹt ở nấc thang sự nghiệp hiện tại và không vươn lên được. Việc ngưng thay đổi trong một thế giới thay đổi từng ngày, không sớm thì muộn nó sẽ khiến mình đau đớn, mà nỗi đau này tôi ví như là “tự mình bóp dái mình” – đau ở trong lòng mà không dám chia sẻ vì sợ người khác nói mình ngu. Vì vậy, cho dù bạn đang ở level nào, cách duy nhất để bạn leo lên level khác cao hơn, đó là giữ được tinh thần và thái đội như ngày đầu bạn lập nghiệp – quyết tâm, tập trung, chịu học chịu làm, không sợ sai, không sợ khó,…
Comments
Post a Comment