Dạo gần đây, tôi nhận được nhiều câu hỏi của các bạn về làm cách nào có một cuộc sống tốt, làm cách nào để thành đạt hơn trong cuộc sống? Thiết nghĩ đây là nguyện vọng chính đáng mà bất cứ ai cũng mong muốn. Tuy nhiên khi nghiệm lại suốt quãng thời gian đi học, từ 12 năm phổ thông, 5 năm đại học, 2 năm cao học, chưa có bất kỳ thầy giáo, cô giáo nào dạy cho tôi điều này. Tôi tự hỏi đây có phải là thiếu sót chăng?
Tôi còn nhớ cách đây khoảng hơn 5 năm, khi tôi bắt đầu lập nghiệp, cầm tấm bằng Kỹ sư Đại học Bách Khoa trên tay, tôi cực kỳ bối rối với những định hướng tương lai của mình. Tôi đã phải tự làm phép thử cho chính những lựa chọn cuộc đời vài lần để trả lời cho câu hỏi “làm cách nào để thành đạt hơn”, từ việc làm cho doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực tôi được đào tạo, mở công ty riêng, học lấy bằng cấp cao hơn,… Tất cả đều không phải là câu trả lời thỏa đáng. Cho đến một ngày tôi phát hiện ra một sự thật ghê gớm, những ngộ nhận cực kỳ sai lầm về chương trình giáo dục đã đào tạo tôi trong suốt gần 20 năm theo học.
Tôi chia sẻ những điều sau không phải vì tôi có thành kiến hay bất mãn gì với hệ thống giáo dục ở nước nhà, bởi tôi cũng tự hào là một sản phẩm “không đến nỗi tệ” của chương trình giáo dục này, và những điều học được cũng giúp tôi rèn luyện được bản thân mình ở nhiều mặt, từ kỹ năng, kiến thức cho đến nhân cách. Tuy nhiên, nếu bạn là một người đang bước vào ngưỡng cửa đại học, hoặc đang chuẩn bị ra trường bước vào đời, hoặc thậm chí đã vào đời nhưng đang tìm kiếm một định hướng tốt hơn trong cuộc sống, bạn cần phải biết những điều này trước khi quá trễ.
Ba ngộ nhận về giáo dục đang ngăn bạn đến những thành công lớn hơn.Ngộ nhận về bằng cấp và một công việc đảm bảo: bạn lựa chọn công việc và sự nghiệp của mình vì nghe ai đó nói đó là công việc “ổn định”. Khái niệm “công việc ổn định” chỉ là một từ mang tính chất tương đối, những gì đang là “mốt” ở hiện tại không có nghĩa sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai 3-5 năm nữa. Thậm chí bằng cấp cũng không cứu vãn cho sự “ổn đinh” đó, biết bao nhiêu kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp và thất nghiệp cùng một lúc, cũng vì nghĩ rằng mình cứ có cái bằng tốt là sẽ có người mời mình đến làm.
Tôi thực sự cảm thấy rất buồn, khi hầu hết 80% những cử nhân, kỹ sư tương lai đang theo học một ngành tại một trường với lý do… học vì đủ điểm đầu vào. Và hơn 50% trong số đó ra trường và làm việc với lựa chọn đó đến cuối cuộc đời. Nếu bạn đang ở tuổi 30, vậy liệu bạn có làm theo lời định hướng từ một thanh niên 18 tuổi nào đó nói cho bạn không? Tôi nghĩ bạn sẽ trả lời là KHÔNG. Nhưng trớ trêu thay, rất nhiều người 30 tuổi, thậm chí 40, 50 tuổi đang nghe theo sự chỉ dẫn của chính họ vào lúc 18 tuổi.Ngộ nhận tốt nghiệp là hết học: Hầu hết mọi người xem việc tốt nghiệp là điểm đến của việc học tập, sau đó là giai đoạn đi làm và kiếm tiền. Tuy nhiên thu nhập của bạn sẽ tỉ lệ với tri thức mà bạn đang có, dễ dàng thấy được sự chênh lệch về thu nhập của một người chỉ học hết lớp 12 đi làm, với một người dành thêm 3-4 năm theo học cao đẳng, đại học rồi đi làm. Một sự thật là khi bạn tốt nghiệp trường học, đó chính là lúc bạn bước chân vào trường đời. Bạn kết thúc một quá trình học thụ động, khi mà việc học của bạn được ba mẹ đài thọ học phí và được trường học lên thời khóa biểu, để bắt đầu quá trình học chủ động khi bạn phải tự đóng học phí và tự lên lịch cho việc học của mình.
Đến đây bạn biết lý do vì sao một người đi làm 10-20 năm mà thu nhập của họ cũng chỉ xấp xỉ người đi làm tầm 2-3 năm rồi chứ? Đó là lý do cố tổng thống Mỹ – Benjamin Franklin nói “hầu hết mọi người chết ở tuổi 25 nhưng mãi đến tuổi 75 mới được chôn”. Câu hỏi tôi muốn đặt cho bạn là “Thu nhập của bạn năm nay có tốt hơn ít nhất 20% so với năm ngoái không”? Nếu câu trả lời là KHÔNG, điều đó đồng nghĩa với việc trong một năm vừa qua bạn không có phát triển thêm gì cho bản thân của mình.Ngộ nhận về làm công và làm chủ: đây là cái bẫy “chết người” cho những ai đang nung nấu trong mình tư duy khởi nghiệp, đặc biệt năm nay lại là năm quốc gia khởi nghiệp. Theo thống kê tôi mới xem được trên Thời báo Kinh tế”, năm nay đã có hơn 60.000 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng hơn 2/3 trong số đó đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Tôi có những người bạn học rất giỏi, họ cực kỳ tự tin với nền tảng kỹ năng và kinh nghiệm của mình, 3-6 tháng sau ngày họ khởi nghiệp đứng lên làm chủ, họ tuyên bố đóng cửa doanh nghiệp và tái gia nhập vào nhóm làm công.
Tôi tự hỏi những người giỏi như thế còn không trụ được, vậy cơ hội đâu cho những người còn lại khởi nghiệp? Có 2 bí mật khủng khiếp ở đây tôi muốn tiết lộ với bạn:Thứ nhất, toàn bộ chương trình giáo dục bạn đang học là để đào tạo cho bạn trở thành một người làm công giỏi. Thậm chí, ngay cả những trường dạy về quản trị kinh doanh, mục tiêu cuối cùng cũng là tạo ra những người đi làm hưởng lương tại một doanh nghiệp nào đó. Bạn ra trường là một người giỏi chuyên môn, để trở thành một mảnh ghép hoàn chỉnh cho một nền kinh tế mà 90% là những người đi làm thuê cho người khác. Thật khó để một người muốn học đá bóng giỏi, nếu đặt họ trong một đội toàn những người chơi bóng chuyền.
Thứ hai, những người đã và đang dạy học cho bạn có thể không có được thu nhập mà bạn mong muốn, thậm chí một số người đang dạy bạn còn không biết cách tạo ra thu nhập từ chính chuyên môn họ được đào tạo. Bạn có tin không, nhưng đó là sự thật. Tôi có một số người bạn tốt nghiệp đại học, không kiếm được việc từ môi trường đi làm, tiếp tục học lên cao học và sau đó … trở về trường đi dạy. Tôi tự hỏi những người bạn này sẽ dạy cái gì cho lớp đàn em đi sau, và liệu họ ra trường rồi có đủ năng lực cạnh tranh hay không khi được dạy từ một người không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Thật khó để một người biết cách lái xe ô tô khi họ được lời khuyên từ một người trước giờ chỉ biết đi xe đạp.
Bạn của tôi, đến thời điểm này tôi nhận thấy mình quá đỗi may mắn, vì nhận thức được điều này ngay từ lúc mới bước chân vào đời, và sau đó tạo nên sự thay đổi cho đến hôm nay. Tôi cũng chia sẻ với bạn những bí quyết đã giúp tôi thay đổi được hoàn cảnh của mình:Tôi chọn làm những việc cần thiết phải làm, cho dù đó không phải là điều tôi thích.
Tôi lựa chọn làm việc với niềm đam mê cao nhất, thậm chí không màng đến lợi nhuận. Nhưng tôi sẽ làm nó tốt đến nỗi người khác sẵn sàng trả cho tôi nhiều hơn những gì họ có thể trả cho một người khác.
Tôi theo đuổi việc học đến cuối đời, mỗi ngày dành ra 30p để trau dồi và rèn luyện những kỹ năng mới cho bản thân.
Tôi sẵn sàng sàng bỏ cái tôi của bản thân, để học hỏi từ tất cả mọi người.
Tôi tìm cách sở hữu một kệ sách lớn chứ không phải một chiếc TV lớn trong nhà mình.
Tôi kết giao với những người cùng chí hướng, đặc biệt là những người giỏi hơn tôi.
Tôi chấp nhận từ bỏ một số sở thích nhất thời, để theo đuổi sự thành công lâu dài và bền vững.
Comments
Post a Comment