Khi nói về kinh doanh & đầu tư, người ta thường nói muốn làm phải chấp nhận rủi ro, thậm chí 10 phần chỉ cần nắm được 3 phần thắng trong tay là có thể nhảy vào làm được rồi. Chính vì cách suy nghĩ này mà tôi có nhiều bạn bè đã “dành hết thanh xuân để đi trả nợ”, khởi nghiệp ở tuổi 25, rồi phá sản không lâu sau đó để rồi quay lại đi làm công ăn lương, tích góp từng đồng để trả khoản nợ vài tỷ trong gần chục năm.
Tôi có cơ hội làm việc trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật trong suốt hơn 10 năm, và cũng ngót nghét ngần ấy thời gian tạo dựng doanh nghiệp của riêng mình. Những trải nghiệm làm việc này giúp tôi nhận ra có một sự khác biệt rất lớn giữa những người chuyên nghiệp và kẻ nghiệp dư. Đối với người chuyên nghiệp, bất cứ kế hoạch nào họ vạch ra và thực hiện đều nắm chắc đến 9 phần thắng, 1 phần còn lại nằm trong việc họ có thực sự quyết tâm làm hay không. Trong khi đó, người nghiệp dư thì chỉ loanh quanh ở những cơ hội mà xác suất thắng dưới 5 phần, sau đó trông chờ vào sự may mắn để mình có thể thắng cuộc chơi. Thông thường, người nghiệp dư có thể thắng một vài cuộc chơi nhỏ, nhưng về cuối đường thì họ vẫn là người thua.
Lý do mà người chuyên nghiệp họ cần có kế hoạch rõ ràng và cần nắm chắc tới 9 phần thắng, đó là những gì họ đầu tư để tham gia cuộc chơi thường có giá trị rất lớn mà nếu thua cuộc họ sẽ mất hết tất cả. Trong ngành kỹ thuật mà tôi làm, có một nguyên tắc chung là sản phẩm tạo ra phải Zero bug (không có lỗi), bởi bất kỳ lỗi nhỏ về thiết kế nào cũng phải trả giá bằng hàng triệu đô trong quá trình phát triển sản phẩm, và thậm chí còn nhiều hơn nếu lỗi đó được phát hiện khi sản xuất đại trà (có thể khiến cả doanh nghiệp phá sản và đổ nợ). Do đó, chúng tôi phải rất kỹ lưỡng để khi xác định bắt tay vào làm là phải chắc chắn hoàn thành được mục tiêu.
Một ví dụ gần gũi hơn, nếu như bạn có 2 tỷ trong tay và có một dự án đòi hỏi bạn đầu tư hết 2 tỷ đó, tôi chắc chắn là cho dù bạn là người cẩu thả thế nào, bạn cũng muốn có những kế hoạch chi tiết và sự chắc chắn cho khoản đầu tư đó của bạn. Trong trường hợp khác, bạn sẽ dễ dàng bỏ ra 10K để mua 1 tờ vé số và mong đợi một giải độc đắc 2 tỷ, và bạn cũng chẳng cần một kế hoạch nào khác, đơn giản chỉ là bỏ tiền ra mua tờ vé số rồi chiều đi xổ.
Câu hỏi tôi muốn dành cho bạn, đó là bạn muốn kinh doanh & đầu tư như một người chuyên nghiệp, có chiến lược và nắm chắc phần thắng hay muốn làm theo kiểu người nghiệp dư và trông đợi vào sự may mắn? Ở đây, tôi không nói là lựa chọn nào đúng hay sai, bởi nó tùy thuộc vào mong muốn của mỗi người. Với riêng tôi, lâu lâu tôi cũng mua vé số, cũng thích cảm giác dò những dãy số trúng. Lâu lâu tôi cũng mua BDS và thích thú nhìn nó lên giá theo thị trường. Tuy nhiên, tôi không đặt toàn bộ sự nghiệp và sự thăng tiến của mình vào những thứ may rủi như vậy. Từ trước đến giờ, những dự án lớn nhỏ nào tôi đặt tâm huyết của mình để làm, tôi cũng làm nó một cách chuyên nghiệp, do đó cho dù gặp nhiều khó khăn lớn nhỏ, tôi vẫn hoàn thành được mục tiêu, thậm chí là ngoài sự mong đợi của đổi tác & khách hàng.
Vậy làm sao thay đổi từ việc kinh doanh, đầu tư nghiệp dư để làm chuyên nghiệp, từ đó tăng được xác suất thành công và tỷ suất lợi nhuận?
Trước hết, tôi muốn làm rõ hơn để bạn hiểu về nguồn vốn. Hầu hết chúng ta đều suy nghĩ “nguồn vốn” chính là tiền. Tuy nhiên, nguồn vốn ở đây còn là chất xám, năng lực lao động và mối quan hệ. Nếu bạn chỉ bỏ tiền vào việc đầu tư, chắc chắn xác suất thành công sẽ rất thấp, hoặc nếu muốn xác suất thành công cao thì bạn phải chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp (giống như tiền gửi ngân hàng). Cách mà tôi làm, đó là tôi bỏ tất cả nguồn vốn của mình, bao gồm cả chất xám, thời gian và các mối quan hệ để phát triển công việc kinh doanh & đầu tư của mình.
Năm 2012, tôi xác định được con đường xây dựng doanh nghiệp lâu dài của mình, sau đó tôi đã quyết định “all in” (dốc toàn tâm toàn lực) để phát triển nó. Thời điểm đó, tôi không có quá nhiều trải nghiệm kinh doanh, nguồn vốn cũng chỉ là một số tiền ít ỏi tích lũy sau vài năm đi làm. Nhưng may mắn là tôi đã có một kế hoạch nắm chắc 9 phần thắng và việc của tôi đơn giản chỉ là lo 1 phần còn lại: làm việc dựa trên kế hoạch đã định. Trong 5 năm đầu tiên, tôi chấp nhận làm việc không lấy lợi nhuận, có nghĩa là toàn bộ lợi nhuận có được tôi đều tái đầu tư vào việc phát triển năng lực cá nhân và doanh nghiệp. Đúng vậy, tôi đã dồn toàn bộ năng lực lao động, chất xám và cả tiền của trong 5 năm đó, nhờ vậy sau này tôi có những nguồn lợi nhuận lớn hơn, trong khi bản thân có thể làm việc ít hơn mà vẫn hiệu quả gấp bội thời gian trước. Đến thời điểm hiện tại, nhìn lại bạn bè xung quanh vẫn đang loay hoay với những hướng đi 5 ăn 5 thua, trong khi đó doanh nghiệp của tôi đã hoàn thành được kế hoạch 5 năm lần thứ 2 và đang tiến đến việc mở rộng quy mô ra quốc tế.
Bạn thân mến, một lần nữa tôi khuyến khích bạn “trở thành người chuyên nghiệp”. Chúng ta đang sống trong thời đại đầy rẫy những lựa chọn tốt, tuy nhiên chỉ khi nào bạn lên chuyên nghiệp thì mới có thể đạt được những điều mà lựa chọn đó có thể mang lại cho bạn. Hãy nhìn xung quanh những người đang có cuộc sống mà bạn mơ ước, họ có thể thành công từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ bác sĩ, kỹ sư, diễn viên, ca sĩ, thậm chí là gamer, streamer, youtuber, tiktoker,… tuy nhiên họ đều là những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực mà họ lựa chọn. Tôi chúc bạn sẽ sớm gia nhập hàng ngũ “chuyên nghiệp” trong lựa chọn của bạn.
Tôi còn rất nhiều điều muốn chia sẻ với bạn, đặc biệt là những dự định sắp tới để mở rộng đội ngũ & những thị trường kinh doanh mới. Tôi cũng rất sẵn lòng để giúp bạn có thể kết nối với những môi trường kinh doanh & đầu tư chuyên nghiệp mà tôi được biết, hoặc nếu bạn có cùng chí hướng với tôi & đủ cam kết để đi đường dài thì ta có thể làm việc cùng nhau trong thời gian tới. Bạn có thể nhắn tin với tôi để ta kết nối và cùng trao đổi kỹ hơn nhé.
Cho sự thành công của bạn,
Comments
Post a Comment